- Người đàn ông 43 tuổi ho liên tục, sốt, đau tức ngực nên đã đi khám.

- Bệnh nhân được chẩn đoán đái tháo đường tự ý bỏ thuốc, viêm phổi cấp, lao phổi.

- Bác sĩ cảnh báo sự chủ quan của người bệnh bỏ thuốc điều trị, dấu hiệu lao phổi.

Tự ý bỏ thuốc điều trị - Sai lầm tai hại

Nam bệnh nhân N.T.K (43 tuổi, ở Hà Nội) đi khám do khoảng 10 ngày nay có xuất hiện ho đờm xanh, tức ngực hai bên khi ho, cảm giác gai sốt về chiều, sụt 2 kg và đã uống kháng sinh 7 ngày nhưng không đỡ.

Anh K cho biết 6 năm trước anh đã phát hiện ra bệnh đái tháo đường type 2. Bác sĩ chỉ định uống thuốc. Anh uống thuốc theo đơn thấy ổn định nên khoảng 3 tháng nay, anh chủ quan tự bỏ thuốc.

Gia đình anh có bố đẻ đã điều trị lao phổi năm 2019. Bản thân anh K cách đây 7 tháng anh có đi khám sức khỏe tại một cơ sở y tế, có chẩn đoán theo dõi lao phổi. Do không xuất hiện triệu chứng ho, sốt nào, bản thân thấy mình khỏe mạnh nên chủ quan không xét nghiệm đờm theo tư vấn của bác sĩ.

Khi có dấu hiệu mệt, sốt, ho, sút cân, anh K mới tới bệnh viện khám.

Bệnh nhân đang được bác sĩ khám (ảnh BSCC).

BSCKI. Phạm Sơn Tùng, Chuyên khoa Hô hấp, Bệnh viện Đa khoa Medlatec, là người trực tiếp thăm khám cho anh K. Theo bác sĩ, chỉ số CRP của anh K tăng (gợi ý tính trạng viêm cấp), đường máu tăng cao. Kết quả chụp CT lồng ngực cho thấy hai phổi anh K đông đặc, nốt mờ hai phổi, có phá hủy tạo hang thùy trên phổi (theo dõi tổn thương do lao), hạch trung thất, thoái hóa cột sống ngực.

Đặc biệt, xét nghiệm vi sinh trên mẫu bệnh phẩm đờm cho kết quả Mycobacterium tuberculosis dương tính (vi khuẩn gây bệnh lao).

Dấu hiệu lao phổi

PGS.TS Hoàng Thị Phượng, nguyên Trưởng khoa Lao và Bệnh phổi (Bệnh viện Phổi Trung ương), khuyến cáo lao phổi và bệnh đái tháo đường là hai yếu tố cộng hưởng làm cho sức đề kháng suy giảm. Do đó, khi đã mắc tiểu đường, nếu không được kiểm soát sẽ thúc đẩy bệnh lao phổi tiến triển.

Người mắc đái tháo đường cần kiểm tra đường huyết và tuân thủ nghiêm ngặt phác đồ điều trị để tránh biến chứng.

Ở trường hợp bệnh nhân K, bên cạnh yếu tố nguy cơ cao như gia đình có bố mắc bệnh lao, anh K còn có yếu tố nguy cơ là bản thân từng được yêu cầu theo dõi lao phổi, có mắc tiểu đường nhưng tự ý bỏ thuốc điều trị. Rất may mắn, bệnh nhân được phát hiện kịp thời, chính xác nên tăng cơ hội điều trị thành công.

Bằng kinh nghiệm thăm khám, bác sĩ Tùng cho biết các trường hợp nghi ngờ mắc lao, khi đi thăm khám cần kể rõ vào các dấu hiệu bất thường. Đồng thời, bác sĩ sẽ chỉ định người bệnh thực hiện các kỹ thuật, xét nghiệm cận lâm sàng chẩn đoán chính xác bệnh.

Bác sĩ lưu ý nếu xuất hiện những dấu hiệu nghi ngờ mắc lao phổi, người dân nên được tầm soát ngay, gồm:

- Ho kéo dài trên 2 tuần: Ho khan, ho đờm, ho ra máu;

- Gầy sụt cân, mệt mỏi;

- Sốt nhẹ về chiều, sốt kéo dài không rõ nguyên nhân trên 2 tuần, ra mồ hôi về đêm;

- Đau ngực, khó thở…;

- Triệu chứng viêm phổi cấp tính không đáp ứng với điều trị kháng sinh 2 tuần;

Do bệnh lao phổi có tính chất truyền nhiễm nên cần sàng lọc lao cho người nhà bệnh nhân.

Ngọc Minh

Theo Ngọc Minh